Ngày 15/10, Nga phê duyệt vaccine Covid-19 thứ hai tên gọi EpiVacCorona, do Viện Vector phát triển. Vaccine chứa một phần nhỏ protein của nCoV, được gọi là peptide, tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại Covid-19 và thúc đẩy sự phát triển của khả năng miễn dịch.
EpiVacCorona sử dụng peptide được tổng hợp từ virus, hướng dẫn hệ thống miễn dịch cách nhận biết và vô hiệu hóa virus. Điểm mạnh của vaccine là an toàn và ít tạo phản ứng phụ. Ngoài ngăn ngừa tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, peptide còn sử dụng để điều trị ung thư.
Các chương trình tiêm chủng hiện đại trở nên phổ biến kể từ năm 1796, sau khi Edward Jenner phát triển vaccine đậu mùa, sử dụng virus bất hoạt hoặc giảm độc lực, đưa vào cơ thể hàng trăm loại protein khác nhau. Đến nay, công nghệ vaccine dựa trên toàn bộ virus vẫn phổ biến. Đây cũng là phương pháp mà các nhà sản xuất Trung Quốc chủ yếu sử dụng để phát triển các “ứng viên” của mình.
Song chúng có những yếu điểm nhất định. Chỉ một phần nhỏ protein trong mầm bệnh chịu trách nhiệm tạo phản ứng bảo vệ thích hợp. Nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng dị ứng hoặc tự miễn có thể bắt nguồn từ các chất cặn bã có trong mỗi liều tiêm. Điều này xảy ra do virus được nuôi ở môi trường chứa kháng sinh và dư lượng sinh học. Chất cặn bã không được loại bỏ hoàn toàn sau đó, thường gây dị ứng cho người sử dụng. Ngoài ra, mầm bệnh bất hoạt hoặc giảm độc lực có thể tái hoạt động, gây nguy hiểm cho bệnh nhân, y bác sĩ và nhân lực của đơn vị sản xuất.
Những loại vaccine peptide như EpiVacCorona là phương pháp thay thế tiềm năng, giúp giải quyết vấn đề này. Việc sử dụng một phần protein, thay vì toàn bộ virus, nhắm vào các biểu mô cụ thể làm giảm thiểu rủi ro gây dị ứng hoặc tự miễn. Các liều tiêm thích hợp sản xuất theo quy mô lớn, tiết kiệm chi phí. Công thức điều chế không chứa thành phần gây ô nhiễm sinh học.
Tuy nhiên, việc phát triển vaccine dựa trên công nghệ này vẫn có thách thức đáng kể. Peptide có kích thước rất nhỏ, đôi khi không tạo ra phản ứng miễn dịch lâu dài. Các phân tử này cũng không ổn định trong cơ thể, dễ dàng bị phân hủy bởi các enzyme trước khi kịp tạo phản ứng miễn dịch.
Ngày 5/10, Cơ quan Liên bang Giám sát Bảo vệ Quyền lợi và Sức khỏe Người tiêu dùng cho biết gần 30.000 tình nguyện viên sẽ tham gia thử nghiệm vaccine EpiVacCorona. Đây là thử nghiệm kết hợp giai đoạn đầu và giai đoạn hai của sản phẩm. Các nhà khoa học sẽ sử dụng giả dược để đối chứng độ hiệu quả.
Nghiên cứu trước đó có sự tham gia của 100 tình nguyện viên, độ tuổi từ 18 đến 60. Kết quả đến nay vẫn chưa được công bố. Thử nghiệm giai đoạn ba cũng chưa bắt đầu.
Hồi tháng 8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19. Các nhà khoa học vẫn lo ngại về động thái này, cho rằng Sputnik V chưa đủ an toàn và hiệu quả để phân phối đến người dân. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các liều tiêm không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng. Con gái của ông cũng là một trong những người đầu tiên sử dụng vaccine.
Nguồn: vnexpress