9:25 - 19/09/2024

Áp thấp nhiệt đới đang di chuyển rất nhanh và có khả năng mạnh lên thành bão số 4 hướng vào các tỉnh miền Trung. Trước ảnh hưởng phức tạp của thời tiết, một số tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… đã chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với bão số 4 đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13h00 ngày 18/9/2024, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng: 16.7 độ Vĩ Bắc; 112.7 độ Kinh Đông trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới đang di chuyển rất nhanh với tốc độ khoảng 20-25km/h, hướng vào khu vực Quảng Bình đến Đà Nẵng và có hướng di chuyển rất phức tạp. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Dự kiến, bão số 4 sẽ ảnh hưởng đến  các tỉnh miền Trung Việt Nam từ ngày 19 tháng 9. Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, các tỉnh miền Trung đã phát công điện và tiến hành công tác chuẩn bị chống bão.

Tại Quảng Bình, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 17/9/2024 về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành Công văn số 100/VP-PCTT ngày 16/9/2024 về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.

UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, kịp thời triển khai phương án ứng phó theo phương châm “ 4 tại chỗ” khi có bão.

Trước tình hình bão số 4 đang tiến gần, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó và giúp dân phòng, chống bão.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn các tàu thuyền neo đậu an toàn ( Ảnh minh họa)

Trên tuyến biên giới biển, ngay trong đêm 17/9, các đài canh vô tuyến điện tuyến đã thực hiện thông báo thông tin về cơn bão số 4, kêu gọi các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển và các khu vực nguy hiểm khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn. Trên tuyến biên giới đất liền, qua hệ thống loa truyền thanh, các đơn vị đã thông báo những diễn biến phức tạp của cơn bão tới các thôn bản, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng, lũ ống, lũ quét và sẵn sàng các biện pháp di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tiến hành bổ sung lương thực, thực phẩm dự phòng. Đồng thời, kêu gọi người dân không đi vào rừng, thông báo cho người dân đang đi rừng khẩn trương về nhà.

Trước diễn biến phức tạp của bão, Quảng Bình cũng đã ban hành lệnh cấm biển từ 0h ngày 19/9 cho đến khi an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn.

Chiều 18/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã hoàn thiện phương án sơ tán, di dời hàng nghìn hộ dân nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển, có khả năng mạnh lên thành bão số 4. Theo phương án ứng phó, sẽ ưu tiên sơ tán khẩn cấp  tại các xã ven biển thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ. Đây là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và đổ bộ.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (thứ 3 từ phải qua) đi kiểm tra tại khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão nam Cửa Việt (H.Triệu Phong) ( Ảnh Thanh Lộc)

Cùng đồng loạt ra quân, các  cán bộ, chiến sĩ của các đồn Biên phòng: Hải An, riệu Vân, Cửa Tùng, Cồn Cỏ và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt đã cùng người dân đưa hàng trăm tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn.

Ngoài ra, các đồn biên phòng các phân công các chiến sĩ thường trực tại các điểm xung yếu, rà soát những đơn có nguy cơ sạt lở, ngập úng, chuẩn bị sẵn sàng nơi ăn ở, lương thực, thực phẩm cho người dân vào tránh trú tại đơn vị khi cần thiết.

Tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã ký công điện hỏa tốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong tỉnh khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ để ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến vào đất liền, có thể mạnh lên thành bão.

Các vùng thấp trũng, dễ ngập lụt chuẩn bị  phương án kê cao đồ đạc, tài sản. Các vùng dễ sạt lở chuẩn bị các phương án di dời dân khi cần thiết. Bộ đội Biên phòng  tỉnh cũng đi kiểm tra và chỉ đạo các đồn Biên phòng dọc khu vực biên giới biển khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó. Thông báo, kêu gọi các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ trú ẩn, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn.

Mưa lớn trong sáng 18/9 đã khiến một số khu vực ở Thừa Thiên – Huế ngập cục bộ ( Ảnh báo Dân tộc)

Tính đến trưa ngày 18/9/2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi 1.884 phương tiện/10.685 lao động, toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tránh trú an toàn.

Trước tình hình diễn biến của thiên tai, Ban Chỉ huy phòng Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã ban hành công điện đề nghị các lực lượng, sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông; đề nghị các đơn vị chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ có thể xảy ra. Đồng thời kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn TP. Trong ngày 18/9, tại Đà Nẵng  mưa lớn đã gây ngập cục bộ nhiều nơi.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển;….

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường nội đô TP. Đà Nẵng bị ngập cục bộ ( Ảnh minh họa)

Cũng trong ngày 18/9, Sở Giáo dục- Đào tạo thành phố  Đà Nẵng đã thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều 18/9 và cả ngày 19/9 để phòng chống bão số 4. Ccas trường học chủ động lên kế hoạch chống bão an toàn. Sau bão, khẩn trương làm vệ sinh, dọn dẹp để nhanh chóng tiến hành dạy học tại các nhà trường.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, tại Quảng Nam, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp. Yêu cầu các  đơn vị chủ động triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển; kiểm tra các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, có phương án  di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về người và của, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ…

PV KVTV Trong Xanh.

Chuyên mục: Tin nổi bậtTin Tức

Tag:

Liên hệ trên Zalo