Lý Thường Kiệt họ Ngô tên Tuấn, tự là Thường Kiệt, sinh năm Kỷ Mùi 1019, quê ở phủ Thái Hoà, thành Thăng Long (Hà Nội). Từ nhỏ, Ông đã có chí hướng, ham đọc sách, say sưa nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ. Ông có tài văn, võ; Năm 23 tuổi được bổ nhiệm làm quan theo hầu vua Lý Thái Tông. Trải qua 3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Ông có nhiều công lao trong việc chống Tống bình Chiêm, đóng góp xây dựng đất nước phồn vinh. Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liệt ông vào một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Sau khi vua Lý Thái Tông mất (1054), Lý Thánh Tông lên ngôi, nguy cơ xâm lược từ triều đại phong kiến phương bắc là nhà Tống càng đến gần. Trong lúc đó ở phía nam, sau một thời gian phục hồi, vua Chiêm là Chế Cũ lại bắt đầu gây rối vùng biên cương phía nam. Năm 1068, Chiêm Thành, một mặt chịu triều cống nhưng mặt khác lại tích cực quấy nhiễu biên giới. Để loại trừ mối uy hiếp từ phía nam, làm thất bại âm mưu liên kết của quân Tống với nước Chiêm Thành, Lý Thánh Tông quyết định đánh Chiêm Thành. Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân, cùng với tướng quân Lý Thường Kiệt đánh vào kinh thành Phật Thệ (tức Vijaya – Bình Định) của Chiêm Thành.
Trong cuộc tiến công này, khi Lý Thánh Tông đến cửa Nhật Lệ, thuỷ quân Chiêm đã chặn đánh dữ dội. Vua sai tướng Hoàng Kiện đốc thúc quân sĩ đánh trực diện. Quân Chiêm chống cự không nổi bèn rút chạy vào phía trong. Khi đến kinh đô Phật Thệ, quân lính đổ bộ tiến đánh quân Chiêm Thành ở hai bờ sông Tu Mao. Trong trận chiến đấu này, hai anh em Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến đã lập công xuất sắc. Nghe tin thất trận ở Tua Mao, vua Chiêm là Chế Cũ (Rudreverma III) đưa vợ con bỏ thành chạy trốn về phía nam. Quân Lý vào thành Phật Thệ, người trong thành ra hàng. Lý Thường Kiệt cho quân đuổi theo và bắt được Chế Cũ đưa về Thăng Long. Chế Cũ xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (tức phần đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay) cho Đại Việt. Lý Thánh Tông chấp nhận, cho Chế Cũ về nước.
Chiến thắng của quân dân Đại Việt có ý nghĩa quan trọng đối với vùng đất Quảng Bình. Năm 1069, địa bàn Quảng Bình và một phần lãnh thổ phía Bắc Quảng Trị đã được sáp nhập vào quốc gia Đại Việt. Biên giới Đại Việt đã vượt qua khỏi Hoành Sơn Quan (Đèo Ngang) tiến về phía Nam, mở đầu cho công cuộc mở cõi về phương Nam. Trong cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, Đại Việt không có chủ trương chiếm đất, giành dân, thiết lập bộ máy chính trị mà xuất phát từ mục đích bảo vệ biên cương phía Nam, để tập trung đối phó với kẻ thù phía Bắc. Trong khi đó người Chiêm đã nhiều lần mở rộng lãnh thổ về phía Bắc, liên tiếp tổ chức chiến tranh và liên tiếp gặp thất bại.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt cho vẽ họa đồ hình thể núi sông của ba châu, vua Lý Thánh Tông đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh xuống chiếu chiêu mộ dân chúng đến ở và tổ chức việc cai trị. Vùng đất Quảng Bình trở thành lãnh thổ của quốc gia Đại Việt, mở đầu trang sử mở mang bờ cõi về phương Nam.
Tháng 8 năm Ất Mão (1075), Lý Thường Kiệt chỉ huy quân đánh Chiêm Thành. Ông vâng mệnh triều đình vẽ bản đồ ba châu: Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh. Lý Thường Kiệt vâng mệnh vua Lý Thánh Tông, quyết định đổi tên châu Bố Chinh thành Bố Chính, Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh; chiêu mộ cư dân Đại Việt đến khai phá vùng đất mới này nhằm tạo ra một lực lượng bảo vệ vùng biên cương phía Nam của Đại Việt, ban hành một nền hành chính, ổn định cuộc sống nơi phên dậu xa xôi của Tổ quốc, thể hiện sự chuyển biến từ chiến tranh qua hòa bình ở vùng đất mới bình định. Các triều đại kế tiếp của Chiêm Thành vẫn còn âm mưu và chờ thời cơ sẽ chiếm lại vùng đất bị mất. Lý Thường Kiệt lại một lần nữa thân chinh cầm quân dẹp loạn (Quý Mùi 1103). Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Mùi (1103) mùa đông tháng 10, người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản… việc tâu lên, vua sai Lý Thường Kiệt đi đánh, Giác thua, trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp yên” (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, trang 284, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998). Vua Chiêm là Chế Ma Na lại cho quân đánh chiếm lấy lại ba châu do Chế Củ dâng. Lý Thường Kiệt lại đưa quân đi đánh. Với tài thao lược và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân ba châu, Lý Thường kiệt đã đánh tan quân Chiêm lấy lại vùng biên cương phía Nam, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt vào năm 1104. Biên cương phía Nam được giữ vững, triều đại Chiêm phải thuần phục.
Với vùng đất Quảng Bình, Lý Thường Kiệt là người lĩnh ấn tiên phong đưa vùng đất Bố Chính, Lâm Bình sáp nhập về với quốc gia Đại Việt. Ông là vị thành hoàng thủy tổ khai canh, mộ dân lập ấp vùng biên cương phía Nam của Tổ quốc ở thế kỉ XI – Vùng đất này trở thành phên dậu phía Nam của nhà Lý.
Ngày nay, sau bao vật đổi sao dời, Quảng Bình đã thay da đổi thịt, có diện tích tự nhiên là 8.065 km2 nằm ở Miền Trung Việt Nam, với quy mô dân số gần 1 triệu người, thu ngân sách trên địa bàn một năm khoảng 8.261 tỷ đồng (năm 2022). Quảng Bình có bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần độc đáo. Mảnh đất Quảng Bình như một bức tranh thủy mặc, vừa có biển, đảo vừa có rừng, với tiềm năng, thế mạnh, vẻ đẹp thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hóa độc đáo riêng có của vùng đất Quảng Bình, cùng với con người Quảng Bình thông minh, cần cù, chịu khó, đang nỗ lực hết mình để xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp.
Ghi nhận công lao to lớn của ông đối với mảnh đất Quảng Bình, tên ông đã được đặt cho một con đường lớn ở thành phố Đồng Hới xinh đẹp và các huyện, thị khác của quê hương “Hai giỏi”.
Tài liệu tham khảo:
Phóng viên Trần Nam
Chuyên mục: Tin nổi bậtTin Tức
Tag:
Bài viết trước: Cô gái Xứ Nghệ “biến” nông sản thành tác phẩm nghệ thuật, chinh phục trái tim khách hàngBài kế: Phở Lợi – Hương vị truyền thống, nét tinh hoa ẩm thực Vinh