Doanh nghiệp lớn được khuyên tận dụng ưu điểm từ 4PL, trong khi startup nên tự vận hành logistics, còn 3PL phù hợp với công ty đang phát triển nhanh.
Theo Statista, thị trường logistics toàn cầu được dự báo sẽ vượt 13,7 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, 3PL (logistics bên thứ ba) và 4PL (logistics bên thứ tư) là những dịch vụ logistics phổ biến giúp các công ty điều hành chuỗi cung ứng và sản xuất.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm dịch vụ logistics, chuyên gia phân tích ưu nhược điểm của 3PL và 4PL. Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong các giai đoạn kinh doanh khác nhau, doanh nghiệp cần chọn được mô hình logistics phù hợp.
Cụ thể, khi mới bắt đầu kinh doanh, doanh nghiệp nên chủ động trong hoạt động logistics bằng việc thực hiện các đơn đặt hàng nội bộ trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, khi tự vận hành logistics với quy mô nhỏ, doanh nghiệp thường khó mở rộng quy mô bởi việc đóng gói, vận chuyển đơn đặt hàng là nhiệm vụ tốn thời gian. Thay vì tự vận hành logistics khi chưa có kinh nghiệm, doanh nghiệp có thể nâng cấp bằng việc tìm đến dịch vụ logistics 3PL.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ hậu cần đầu – cuối nhờ sự bùng nổ thương mại điện tử, thay đổi thói quen tiêu dùng đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường logistics bên thứ ba. Ảnh:freepik
Khi đã phát triển, doanh nghiệp cần nhiều thời gian hơn cho việc đầu tư và tiếp thị sản phẩm. Các nhiệm vụ lặp đi lặp lại với các đơn hàng nên được thuê ngoài để mở rộng quy mô tốt hơn. 3PL sẽ giúp bạn tối ưu quy trình thực hiện gồm kho bãi, quản lý tồn kho, lấy hàng và đóng gói. Đồng thời, logistics bên thứ 3 sẽ hợp tác với các hãng vận chuyển để giao sản phẩm cho khách hàng.
Dịch vụ logistics 3PL gồm việc quản lý vận chuyển, lưu kho và phân phối, thực hiện đơn hàng… Lợi ích lớn nhất của logistics 3PL giúp doanh nghiệp tập trung vào năng lực cốt lõi, tiết kiệm chi phí và nâng cao dịch vụ khách hàng, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, một hình thức được nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đang phát triển nhanh vẫn sử dụng 3PL và có phần mềm logistics của bên thứ ba để mở rộng quy mô theo thời gian. Các nhà cung cấp dịch vụ 3PL có thể giúp các công ty thương mại điện tử từ kho bãi, vận chuyển đến lợi nhuận và dịch vụ khách hàng. Hiện nay, thương mại điện tử chiếm gần 53% thị phần logistics 3PL.
Khi các công ty tiếp tục phát triển và mở rộng, nhu cầu của họ đối với các dịch vụ logistics cũng tăng lên. Ở quy mô lớn, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên tận dụng ưu điểm từ 4PL để duy trì hoạt động kinh doanh.
4PL là việc quản lý và thực hiện các hoạt động logistics phức tạp như quản lý nguồn nhân lực, trung tâm điều phối kiểm soát, tích hợp các hoạt động logistics… 4PL được phát triển dựa trên nền tảng của 3PL những gồm các lĩnh vực rộng hơn như dịch vụ công nghệ thông tin hay quản lý các tiền trình kinh doanh. Theo đó, việc quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng là khía cạnh lớn của doanh nghiệp nên việc hợp tác với một 4PL chuyên nghiệp, có chuyên môn vững vàng là lựa chọn tốt.
Theo https://vnexpress.net/nen-lua-chon-dich-vu-logistics-the-nao-de-toi-uu-hoat-dong-4579417.html
Chuyên mục: KẾT NỐI KINH DOANH
Tag:
Bài viết trước: Phó Thủ tướng: Tháo điểm nghẽn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triểnBài kế: Xe container ‘check-in online’ trước khi vào cảng Cát Lái